Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Hành, Chủ nhiệm bộ môn tạo hình thẩm mỹ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch khẳng định, các bác sĩ có thể cứu chữa những biến chứng ở mũi hay chỉnh lại để có kết quả vừa ý hơn.
– Tôi nghe nhiều người nói nếu phẫu thuật sửa mũi thì sẽ bị biến chứng về sau, và có thể kéo dài đến suốt đời. Như vậy có đúng không ạ, và tại sao lại xảy ra trường hợp này. Nhờ bác sĩ giải đáp giúp. Xin cảm ơn.(Thanh Hiền, Bình Thạnh)
– Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Hành, Chủ nhiệm bộ môn tạo hình thẩm mỹ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch:
Chào bạn,
Câu hỏi này của bạn cũng đang là điều quan tâm của rất nhiều người. Tất cả các loại phẫu thuật thẩm mỹ đều tiềm tàng biến chứng, tuy nhiên, ngành phẫu thuật thẩm mỹ luôn luôn tìm cách hạn chế để những biến chứng xảy ra với tỷ lệ thấp nhất.
Những biến chứng nặng nề để lại thương tật vĩnh viễn suốt đời ở vùng mũi rất thấp. Thường chúng ta có thể cứu chữa được tình trạng biến chứng ở mũi hay sửa chữa để có kết quả vừa ý hơn.
Phẫu thuật chỉnh lại bao giờ cũng khó hơn là phẫu thuật đầu tiên. Phẫu thuật viên phải đối phó với mô xơ sẹo, với những biến dạng, tổn thương của sụn mũi… Những tổn thương này càng nặng nề hơn trong bối cảnh hiện nay khi phẫu thuật chỉnh hình mũi tái cấu trúc trở nên phổ biến.
Nếu chỉnh hình mũi đặt sống đơn thuần thì cần chỉnh lại càng sớm càng tốt. Còn nếu chỉnh hình mũi tái cấu trúc sau một tháng thì nên chờ 3-6 tháng khi tình trạng viêm nhiễm ổn định thì mới chỉnh sửa. Việc sửa lại đòi hỏi tay nghề phẫu thuật viên phải cao hơn, giàu kinh nghiệm hơn, sẵn sàng đối phó với tất cả bất ngờ tiềm ẩn bên dưới.
Nếu mũi nhiễm trùng thì phải tháo sóng ra ngay và điều trị kháng sinh, kháng viêm. Sau đó chờ khoảng 3-6 tháng sau mới tiến hành phẫu thuật.
Cũng có nhiều người hỏi rằng “mũi bị biến chứng chỉnh lại có đẹp không?”, tôi cũng xin trả lời rằng, tốt nhất nên tìm một bác sĩ giỏi để nâng mũi ngay từ đầu để tránh biến chứng.
Mũi bị biến chứng thì chỉnh lại đôi khi rất khó khăn và cần phải chỉnh nhiều lần, tốn kém về tiền bạc và thời gian. Một trong những biến chứng nặng nề nhất là bao xơ co thắt làm mũi co rút ngắn lại và dị dạng. Có 2 loại bao xơ:
– Loại do phản ứng của cơ thể đối với chính chất liệu silicon. Loại này được hình thành rất chậm hoặc không dấu hiệu bệnh lý hoặc chỉ có biểu hiện bệnh lý nhiều chục năm sau. Bao xơ co thắt trong nhóm này thì liên quan đến cơ địa của bệnh nhân và gần như không thể tránh được nhưng rất hiếm và xảy ra rất chậm.
– Loại bao xơ co thắt bệnh lý: đây chính là loại bao xơ co thắt gây ra bao điều phiền toái và là nỗi lo của bệnh nhân cũng như là của bác sĩ. Có 2 nguyên nhân chính đó là sẹo quá phát và nhiễm trùng dưới lâm sàng.
Chúc bạn đạt được những ý nguyện của mình và có một chiếc mũi đẹp.
![]() |
Bác sĩ Lê Hành tại tòa soạn VnExpress. |
– Bác sĩ cho hỏi tại sao lại có phương pháp nâng mũi S-line 3D ạ? (Kim Vân, Q3)
– Bác sĩ Lê Hành:
Chào bạn,
Một chiếc mũi đẹp thì có hình dạng tương tự như một chữ S lười, các nhánh của chữ S có độ cong rất ít (khác với đường nét thẳng, gập góc). Dù mũi tự nhiên hay được sửa với bất cứ kỹ thuật nào thì chiếc mũi đẹp phải có dạng chữ S lười. Trên thị trường hiện nay, một số bác sĩ dùng chữ S-line, chỉnh hình mũi Hàn Quốc, chỉnh hình mũi 3D để chỉ cách sửa mũi hiện đại kết hợp giữa sụn tự thân ở đỉnh mũi và sống mũi bằng vật liệu nhân tạo. Về mặt học thuật, kỹ thuật này được gọi là chỉnh hình mũi tái cấu trúc hiện đại (restructural modern rhinoplasty).
S-line chỉ dáng mũi đạt chuẩn, kết quả bắt buộc của mọi kỹ thuật chỉnh hình mũi. Dù đặt sống mũi toàn phần bằng thanh silicon dẻo hay chỉnh hình mũi tái cấu trúc đều phải đạt dáng mũi chữ S với cánh mũi thon gọn, lỗ mũi kín nhỏ. S-line không nhất thiết nói lên kỹ thuật chỉnh hình mũi tái cấu trúc hiện đại.
– Bác sĩ có thể cho em biết trên thị trường thẩm mỹ hiện nay vì sao lại có cách gọi là nâng mũi 3D ạ? (Thúy Anh, 22 tuổi, Tan binh)
– Bác sĩ Lê Hành:
Chào Thúy Anh,
Một số bác sĩ dùng từ nâng mũi 3D vì đây cũng là một cách dùng chữ ám chỉ kỹ thuật chỉnh hình mũi tái cấu trúc hiện đại (nếu thực sự là như vậy). Đúng ra 3D không phải là phương pháp hay kỹ thuật nâng mũi. 3D chỉ sự hỗ trợ của hệ thống chụp ảnh 3 chiều (3D) khuôn mặt. Phần mềm mô phỏng sẽ giúp nhiều người thấy chiếc mũi hay cả khuôn mặt của mình theo nhiều chiều hướng và mô phỏng kết quả nâng mũi. Vẻ đẹp chiếc mũi sau nâng phụ thuộc vào tay nghề, kinh nghiệm, óc thẩm mỹ của bác sĩ chứ không phải phụ thuộc vào máy Vectra 3D.
![]() |
Rất nhiều câu hỏi của độc giả gửi về cho bác sĩ Lê Hành nhờ tư vấn cách cải thiện vẻ đẹp của chiếc mũi. |
– Bác sĩ có thể cho em biết với phương pháp nâng mũi tái cấu trúc thì vật liệu để nâng mũi sẽ tồn tại vĩnh viễn hay chỉ tồn tại khoảng 10-20 năm thì phải tháo ra làm lại. Cảm ơn bác sĩ. (Thu Hiền, TPHCM, Quận 5)
– Bác sĩ Lê Hành:
Chào bạn, kỹ thuật chỉnh hình mũi tái cấu trúc là việc áp dụng kỹ thuật chỉnh hình mũi, cấu trúc hiện đại của Tây Âu vào mũi người Á Đông. Mũi của người Tây Âu thường to dài, rộng nên phẫu thuật chủ yếu thay đổi cấu trúc để mũi nhỏ lại, có hình dạng S-line, phù hợp với những tiêu chuẩn thẩm mỹ chung.
Mũi người Á Đông ngược lại, cần làm to lên, dài ra và cao hơn. Trước năm 2000, mũi người Á Đông chỉ được sử dụng kỹ thuật đặt trên sống mũi một thanh độn, chủ yếu là bằng thanh silicon dẻo, giúp mũi to lên và dài ra. Cuối thập niên 90, bác sĩ Byrn – người Mỹ đã phát minh ra miếng ghép kéo dài sụn vách ngăn.
Đây là một phát minh có tính đột phá, giúp các bác sĩ có thể dùng kỹ thuật chỉnh hình mũi Tây Âu để làm cho mũi người châu Á dài ra, cao lên và hài hòa hơn. Kỹ thuật mới này được gọi là chỉnh hình mũi tái cấu trúc hiện đại (restructural modern rhinoplasty). Nhanh chóng du nhập sang châu Á, kỹ thuật này được áp dụng rộng rãi và thành công bởi các bác sĩ Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan, Việt Nam… Kiểu chỉnh hình mũi này giúp tạo hình mũi đẹp cho dù xuất phát điểm của mũi đó như thế nào. Kỹ thuật này giúp tránh được những biến chứng cơ bản của cách dùng thanh độn silicon và cũng giúp sửa chưa những biến chứng gây ra do mọi loại kỹ thuật thẩm mỹ mũi trước đó.
Như vậy, với phương pháp này, thường chúng ta cần hai loại vật liệu trong chỉnh hình mũi tái cấu trúc: sụn tự thân ở đỉnh mũi và vật liệu nhân tạo (silicon dẻo, gore-tex… ở sống mũi). Nếu phẫu thuật được thực hiện tốt và khách hàng giữ gìn tốt thì kết quả của phẫu thuật ít nhất kéo dài từ 10-15 năm. Có những trường hợp lâu hơn mà không cần phải sửa chữa gì.
Những trường hợp phải sửa chữa thường là đỉnh mũi bị thấp so với ban đầu do sự hấp thu không thể tránh khỏi của vật liệu tự thân. Tuy nhiên đây không phải là một tình trạng phổ biến.
– Cháu bị viêm xoang khá nặng, vậy có nên phẫu thuật nâng mũi không ạ. Vì mũi cháu hơi thấp, sống mũi không thẳng, nên cháu cũng muốn làm lại cho đẹp. Nhờ chuyên gia tư vấn giúp. Cháu cảm ơn. (Nguyễn Thị Huyền Trang, 25 tuổi)
– Bác sĩ Lê Hành:
Chào Trang,
Chỉnh hình mũi thẩm mỹ được thực hiện bên ngoài, phía trên tháp mũi xương và sụn, nên không có một liên hệ trực tiếp nào với các xoang. Tuy nhiên, để cho phẫu thuật an toàn và kết quả dài lâu thì chỉ nên thực hiện sau khi những viêm nhiễm mũi xoang được chữa ổn định. Nhất là trong những trường hợp chỉnh hình mũi tái cấu trúc. Sự can thiệp khá lớn vào các cấu trúc sụn, xương của tháp mũi cần được thực hiện ngoài các bệnh lý của mũi. Viêm mũi dị ứng cũng cần phải chữa ổn định trước khi chỉnh hình mũi vì những triệu chứng sổ mũi, chảy mũi, nhảy mũi… sẽ có ảnh hưởng nhất định đến kết quả của phẫu thuật, nhất là khi bệnh nhân bị ngứa mũi và hay dùng tay để chà mũi, hỉ mũi.
Những trường hợp bị vẹo vách ngăn mũi trên, một sống mũi thấp chưa đẹp thì nên nghiên cứu để phối hợp hai phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn và chỉnh hình mũi tái cấu trúc đồng thời. Vì qua phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn, bác sĩ sẽ tận dụng phần sụn vách ngăn quý giá để nâng đỉnh mũi cho bệnh nhân. Vách ngăn mũi bị lấy mất trong những phẫu thuật trước gây khó khăn cho phẫu thuật chỉnh hình mũi thẩm mỹ vì bác sĩ phải tìm một nguồn sụn khác thích hợp như sụn sườn hay dùng vật liệu nhân tạo để thay thế sụn vách ngăn.
Chúc bạn sẽ có một chiếc mũi đẹp!
![]() |
– Thưa bác sĩ, trong trường hợp nào thì có thể dùng thanh silicon dẻo để nâng mũi vậy ạ? Nhờ chuyên gia giải đáp giúp. Cháu cảm ơn. (Phan Thu Hà, 28 tuổi, Quận 8, TPHCM)
– Bác sĩ Lê Hành:
Chào Hà,
Dùng thanh silicon dẻo để làm cao toàn bộ mũi nằm trong nhóm được gọi là phẫu thuật “đặt lên trên”. Phương pháp kinh điển này được dùng trên 40 năm nay ở Á Đông.
Bóc tách tạo đường hầm phần sống mũi rồi đưa thanh silicon dẻo đã gọt giũa vào. Thanh độn này tựa hoàn toàn lên nền xương và sụn bên dưới và đội da để tạo dáng cho mũi.
Có thể dùng mọi vật liệu tự thân hay tương hợp sinh học để thực hiện phẫu thuật “đặt lên trên”. Dù vật liệu nào thì vẫn tiềm tàng biến chứng ở da mũi: mỏng da lộ sống, thủng da, thay đổi màu da nếu thực hiện phẫu thuật không đúng chỉ định và kỹ thuật.
Hiện nay, chỉ định của phẫu thuật “đặt lên trên” hẹp hơn là chỉ định của phẫu thuật tái cấu trúc. Kỹ thuật này chỉ phù hợp với những mũi đã đủ dài, da mũi tương đối dầy. Phẫu thuật không nhầm kéo dài mũi hay thay đổi độ cao của mũi quá mức.
Nếu như không tuân thủ chỉ định này thì sớm muộn gì những biến chứng như lộ sống mũi, mỏng da đầu mũi, đổi màu da… thậm chí lòi sống mũi do phần da mỏng quá không chịu nổi sức căng do thanh độn tác động.
Như vậy, tốt nhất là dùng kỹ thuật chỉnh hình mũi tái cấu trúc cho tất cả dạng mũi khác không nằm trong chỉ nêu trên.
– Thưa bác sĩ, em muốn nâng mũi S-line, nhưng lại nghe nói sau một thời gian thì mũi bị cong do sụn ở vành tai là sụn cong. Xin bác sĩ giải đáp giúp em ạ. (Van, 30 tuổi)
– Bác sĩ Lê Hành:
Chào bạn, có lẽ chúng ta nên dùng từ tái cấu trúc thay vì S-line cho chính xác hơn. Như đã nói ở trên, phẫu thuật tái cấu trúc được thực hiện qua hai giai đoạn: chỉnh hình đỉnh mũi bằng sụn tự thân và chỉnh hình sống mũi thường bằng vật liệu nhân tạo. Nếu làm không khéo, thì mũi tái cấu trúc vẫn có thể bị lệch ở đỉnh mũi hoặc sống mũi.
Sụn vành tai cong do đó chỉ được dùng để củng cố những phần nhỏ như mảnh ghép ở đỉnh mũi hay cánh mũi. Muốn đỉnh mũi thẳng cần một mảnh sụn thẳng, cứng (sụn vách ngăn hay sụn sườn). Việc sử chỉ sử dụng sụn vành tai để tái tạo đỉnh mũi thường không thích hợp và có thể dẫn đến tình trạng như bạn nói.
– Cháu muốn đi sửa mũi cho đẹp, nhưng lại rất sợ tình trạng phải sửa đi sửa lại nhiều lần, vì cháu nghe nhiều người nói là việc phẫu thuật có thành công hay không còn tùy vào cơ địa của mỗi người nữa. Vậy cháu muốn hỏi là có biện pháp nào để tránh trường hợp này, chỉ làm một lần thôi là đẹp không ạ. Cháu xin cảm ơn bác sĩ. (Thùy Dung, Tân Bình, TPHCM)
– Bác sĩ Lê Hành:
Chào bạn,
Kỹ thuật chỉnh hình mũi hiện nay đã được chuẩn hóa, nếu thực hiện kỹ thuật tốt và đúng chỉ định thì biến chứng hiếm xảy ra. Tuy vậy, biến chứng vẫn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Chúng tôi đã nghiên cứu các nguyên nhân này để tránh từ đó hạn chế tối đa các biến chứng.
Phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi là một phẫu thuật an toàn vì được thực hiện ở lớp nông, trong da mô dưới da, không vào nội tạng, độ tổn hại thấp.
Mũi là cơ quan ảnh hưởng đến thẩm mỹ của khuôn mặt nhất, cần sự hài hòa cân đối toàn vẹn. Mũi được phơi bày nhiều nhất nên nếu bị biến chứng rất dễ nhận biết gây ảnh hưởng đến tâm lý tinh thần và khả năng làm việc. Có nhiều nguyên nhân gây ra biến chứng mà chúng tôi đã nghiên cứu kỹ để loại bỏ những nguyên nhân này nhằm mang lại sự an toàn tối đa về thẩm mỹ cho bệnh nhân. Những biến chứng về thẩm mỹ hay kết quả không vừa ý có thể xảy ra đều có thể sửa chữa được.
Ngoài biến chứng thẩm mỹ còn những tai biến về y khoa, có thể xảy ra trên người có bệnh tiềm ẩn như: cao huyết áp, tiểu đường, thiếu máu cơ tim, cơ địa dị ứng với thuốc, máu loãng… mà phẫu thuật thẩm mỹ chỉ là cơ hội bùng nổ. Vì vậy những thăm khám về tình trạng sức khỏe chung cũng như khảo sát về bệnh sử là quan trọng để có thể tránh những tai biến đáng tiếc.
Vì vậy khi đi làm thẩm mỹ nâng mũi nói riêng và phẫu thuật thẩm mỹ nói chung chị em nên báo cho bác sĩ biết tình trạng sức khỏe của mình để có biện pháp phòng ngừa thích hợp.
– Mũi em hơi khoằm, sau khi phẫu thuật em đã có dáng mũi tự nhiên và rất đẹp. Nhưng sau 5 tháng thì đầu mũi của em nhô ra một cục nhỏ và cứng. Em đi khám lại thì bác sĩ chỉ làm tiểu phẫu là xong, sau tiểu phẫu 5 ngày thì mũi hết sưng nhưng em lại thấy nữa mũi trái tự dưng bị ngắn đi và khác nữa mũi phải nhìn rất xấu. Thưa bác sĩ giờ em phải làm sao ạ. (Phạm Hoàng Vy, 29 tuổi)
– Bác sĩ Lê Hành:
Chào em, mũi em vốn bị khoằm nên chắc bác sĩ đã làm tạo hình đỉnh mũi để làm ngắn mũi lại và tăng độ nhô. Cục nhỏ và cứng em nêu ra theo tôi là phần sụn ghép tạo đỉnh mũi bị lộ do mảnh ghép bị thừa. Sau khi phẫu thuật lại, đầu mũi của em trở nên không cân đối là do thực hiện các mảnh ghép ở đầu mũi không phù hợp.
Tình trạng này vẫn có thể chỉnh sửa được, em nên tái khám ngay để xử lý kịp thời.
– Em chỉnh hình mũi S-line được một tháng nhưng hiện đã bị co rút và lệch, thưa bác sĩ em phải xử lý ra sao ạ. (Ngọc long, 25 tuổi)
– Bác sĩ Lê Hành:
Chào bạn, khi được chỉnh hìn mũi S-line thì những cấu trúc mũi của bạn đã được thay đổi rất nhiều. Hiện tượng co rút mũi xảy ra trong vòng một tháng là sớm. Có khả năng bạn bị nhiễm trùng tiềm ẩn và mũi đang trong tình trạng bị viêm.
Bạn cần điều trị nội khoa đúng mức, bình tĩnh chờ đợi các mô vùng mũi hết viêm, ổn định không còn tiến triển gì thêm mới mổ tiếp. Sự can thiệp gấp gáp trên mô viêm chưa ổn định đôi khi sẽ làm mũi của bạn tệ hơn. Thời gian chờ đợi từ 3 đến 6 tháng, tuy nhiên tốt nhất bạn nên đến tái khám để được đánh giá chính xác tình trạng hiện tại và có cách xử lý đúng nhất.
![]() |
– Cách đây khoảng 18 tháng tôi có tiêm chất làm đầy filler Aquamid vào sống mũi. Gần đây tôi mới đi kiểm tra lại để phẫu thuật đặt silicon thì bác sĩ bảo trường hợp của tôi bị tiêm filler vào phần cơ không phải tiêm dưới da hay xương, bác sĩ đã tiêm 2 lần thuốc tiêu đi filler nhưng kết quả cũng không tiêu được nhiều. Tôi muốn biết trường hợp của tôi có nên phẫu thuật, mài mỏng phần cơ đó đi hay cắt cơ để phẫu thuật lại? Như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ hay thẩm mỹ sau này của tôi không? Mong bác sĩ giải đáp giúp. (Le mai huong, 37 tuổi)
– Bác sĩ Lê Hành:
Chào bạn,
Đa số các filler đều tự tiêu gần hết sau 18 tháng. Nếu bạn được chích Aquamid thì chất này được tồn tại lâu hơn nhưng không đáng kể. Việc chích thuốc làm tiêu filler chỉ hiệu nghiệm trong trường hợp filler đó có gốc là acid hyaluronice mà thôi (không phải là Aquamid).
Theo tôi bạn vẫn có thể được chỉnh hình mũi thẩm mỹ bình thường. Bác sĩ nên làm phẫu thuật mở (open technique) để kiểm soát tình trạng của chất filler trong mô mềm của mũi từ đó có xử trí thích hợp.
Chúc bạn có chiếc mũi đẹp và ưng ý.
– Em đã nâng mũi sụn nhân tạo được 3 tháng, nhưng hiện tại đang bị sưng, rất đau và sống mũi không ổn định. Đi tái khám thì bác sĩ bảo là phải thay sống mũi. Em rất lo lắng khi có người cho rằng da em nhạy cảm nên bị dị ứng với thanh sụn. Mấy tháng nay em rất khổ sở với cái mũi, không làm được gì, bây giờ em phải làm sao thưa bác sĩ. (Nguyễn Thị Hồng Thu, 25 tuổi)
– Bác sĩ Lê Hành:
Chào bạn, rất ít khi chúng ta bị dị ứng với thanh silicon dẻo. Theo tôi, thì mũi bạn đang bị viêm do nhiễm trùng. Có thể có một lỗ thông nào đó từ thanh độn ra ngoài da tạo đường xâm nhập cho vi trùng. Trong đa số các trường hợp thì phải tháo sống mũi ra ngay để làm sạch vết thương và kháng sinh trị liệu ít nhất là 10 ngày. Phẫu thuật chỉnh hình mũi kế tiếp chỉ được thực hiện an toàn sau 3 tháng sau.
Bạn cần phải xử lý ngay, nếu không da mũi sẽ bị tổn thương không thể hồi phục và các phẫu thuật kế tiếp khó có được kết quả tốt.
– Mũi của em không đẹp. Bác sĩ cho em hỏi lưu ý về cách làm thế nào để phẫu thuật và có một chiếc mũi đẹp, nhưng lại an toàn. Em xin cảm ơn ạ. (Trần Thu Hà, 28 tuổi, bình thạnh)
– Bác sĩ Lê Hành:
Chào bạn,
Qua những câu trả lời bên trên có thể bạn cũng hiểu rằng có hai phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ vùng mũi: phẫu thuật “đặt lên trên” và phẫu thuật tái cấu trúc nhằm mang lại cho bạn một chiếc mũi đẹp và ứng ý. Bác sĩ tư vấn sẽ cho bạn biết là bạn nên được mổ bằng phương pháp nào để đạt được kết quả mong muốn. Tôi hay khuyên bệnh nhân về 3 an toàn:
– Bác sĩ an toàn: là bác sĩ có tay nghề ổn định, có nhiều kinh nghiệm để xử trí mọi tình huống xảy ra, có cảm quan về thẩm mỹ để tạo được một chiếc mũi đẹp và dĩ nhiên phải có giấy phép hành nghề.
– Cơ sở an toàn: là cơ sở được nhà nước thẩm định, có đầy đủ phương tiện trang thiết bị, con người để phẫu thuật có thể tiến hành và xử trí những tai biến không may xảy ra.
– Bệnh nhân an toàn: là bệnh nhân khỏe mạnh hoặc có bệnh tìm ẩn nhưng đã được kiểm soát đầy đủ. Như vậy, bạn phải khai tường tận những bệnh lý đang có cho bác sĩ để họ sửa chữa cho bạn và chuẩn bị sẵn mọi thứ để có thể đối phó với những biến chứng có thể xảy ra do các bệnh tiềm ẩn đó. Một phẫu thuật thẩm mỹ có chỉ có kết quả tốt khi bệnh nhân hài lòng, vì vậy một bệnh nhân an toàn là bệnh nhân đã đạt được một sự đồng thuận với bác sĩ của mình về kết quả sau cùng.
Bệnh nhân không an toàn là những người không biết rõ họ muốn gì, hoặc có những ước mơ quá đáng trên một xuất phát điểm đôi khi không phù hợp.
– Chào bác sĩ, phẫu thuật nâng mũi S-line 3D có gây mê không, trong lúc phẫu thuật mình có biết các bác sĩ đang phẫu thuật và có đau không. Xin bác sĩ cho biết thêm nếu nâng mũi bằng sụn tự thân thì bác sĩ có dùng thêm sụn nhân tạo không ạ. (Thanh Trúc, 29 tuổi, Bình Tân)
– Bác sĩ Lê Hành:
Chào bạn, đa số trường hợp phẫu thuật mũi S-line được thực hiện với gây tê, chỉ riêng khi lấy sụn sườn thì mới cần gây mê.
Phẫu thuật mũi chỉ khó về kỹ thuật nhưng không nặng nề về y khoa. Chủ trương của chúng tôi là gây tê thật tốt để tránh gây mê tối đa. Trong phẫu thuật thẩm mỹ, chính những biến chứng nặng nề đáng tiếc thường xảy ra liên quan đến việc gây mê.
Gây tê tốt thì bệnh nhân chỉ hơi đau lúc chích thuốc tê, sau đó hoàn toàn tỉnh táo, có thể hợp tác với bác sĩ và không đau. Nếu thấy đau, bạn có thể báo với bác sĩ để được chích thêm thuốc tê. Với gây tê, sau khi mổ xong bạn có thể về nhà ngay và hậu phẫu trở nên đơn giản. Còn với gây mê, bạn phải nằm một đêm ở phòng hồi sức chờ tỉnh trước khi ra viện.
Chỉnh hình mũi tái cấu trúc, thường chúng tôi dùng vật liệu nhân tạo ở vùng sống mũi vì cần phải có một thanh độn thẳng và dài, còn nếu muốn dùng sụn tự thân chỉ có sụn sườn mới đáp ứng được điều kiện này. Sụn tự thân ở đỉnh mũi thì lấy sụn vách ngăn và vài mẫu nhỏ sụn vành tai là đủ. Trong những trường hợp bệnh nhân yêu cầu dùng sụn sườn thì tất cả các sụn ghép đều là sụn sườn, không cần lấy sụn ở các chỗ khác.
Sụn sườn là một báu vật trong phẫu thuật chỉnh hình mũi, có công dụng rất lớn. Tuy nhiên cần cân nhắc khi sử dụng vì bạn phải thực hiện ca phẫu thuật lớn để lấy sụn sườn bằng gây mê; vùng lấy sụn sẽ bị tổn thương, có sẹo mổ và có thể bị đau kéo dài. Ngoài ra, thanh sụn dài đặt để nâng sống mũi có thể bị hấp thu (nhỏ lại, ngắn đi, gãy) theo thời gian. Như vậy chỉ dùng sụn sườn khi không còn một nguồn sụn hay vật liệu thích hợp nào khác.
– Thưa bác sĩ, con trai em sinh tháng 9/2011, hình dạng mũi con em như sau: sóng mũi thấp, cánh mũi phình ra hai bên (mọi người hay gọi là mũi tẹt), chóp mũi tròn. Xin hỏi bác sĩ con em còn nhỏ có thể chỉnh mũi được không, nếu không được thì bao nhiêu tuổi có thể làm, khi nâng mũi thì có ảnh hưởng gì đến tai mũi họng (ví dụ như xoang, viêm mũi, dị ứng…), chi phí khoảng bao nhiêu và thực hiện ở đâu? Em xin cám ơn bác sĩ. (Vũ Trần, 34 tuổi, quận tân phú, tphcm)
– Bác sĩ Lê Hành:
Chào bạn,
Tất cả phẫu thuật chỉnh hình thẩm mỹ đều được thực hiện khi vùng đó của cơ thể đã toàn phát. Con bạn chỉ mới 5 tuổi thì quá sớm để chỉnh hình mũi. Bạn nên nhớ rằng mũi trẻ con bao giờ cũng thấp và chắc chắn là mũi sẽ cao hơn theo thời gian. Bạn hãy cho cháu ăn uống đầy đủ, tập luyện thể dục đều đặn và chờ đến 18 tuổi mới tính chuyện sửa chữa nếu cần.
![]() |
– Tôi có một chiếc mũi dài và xương mũi rộng. Tôi nghe nói là hiện nay có kỹ thuật chẻ xương mũi. Vậy việc làm này nhằm mục đích gì, và tôi có nên thực hiện phẫu thuật này hay không? (Minh Thùy, 30 tuổi, TP HCM)
– Bác sĩ Lê Hành:
Bạn thân mến!
Đúng là phải sửa chiếc mũi dài vì đây là một dấu hiệu của tuổi tác vì mũi dài làm cho bạn trông già trước tuổi. Với trường hợp của bạn, bác sĩ có thể dùng kỹ thuật tái cấu trúc để thu ngắn lại phần dưới của sụn vách ngăn, đồng thời điều chỉnh độ rộng của sụn cánh mũi dưới để chiếc mũi có độ dài thích hợp.
Trên người phụ nữ, chiếc mũi ngắn tạo ra nét trẻ trung, nhí nhảnh, tươi vui. Góc mũi môi lý tưởng khoảng 90-95 độ.
Xương mũi rộng thì khó hơn và đòi hỏi sự can thiệp vào xương. Kỹ thuật chẽ xương mũi được dùng khá phổ biến hiện nay để làm hẹp tháp mũi xương, tạo một chiếc mũi thanh tú.
– Thừa bác Hành, em đã sữa mũi cấu trúc sụn sườn được hơn 2 tháng nhưng hiện đầu mũi của em vẫn còn đỏ và hơi thâm ở trụ mũi. Em rất sợ bị biến chứng, xin bác sĩ tư vấn thêm cho em cách chăm sóc cũng như chế độ ăn uống sau nâng mũi với ạ. (Tran Ngọc Oanh, 28 tuổi)
– Bác sĩ Lê Hành:
Chào bạn, những dấu hiệu của bạn nêu trên chứng tỏ mũi đang ở trong tình trạng không ổn định và cần được theo dõi cẩn thận, đều đặn của bác sĩ cho đến khi nó ổn định hẳn. Việc thăm khám thường xuyên sẽ giúp bạn phát hiện biến chứng kịp thời và giới hạn các tác hại. Với người bình thường, bạn không cần phải kiêng cữ trong việc ăn uống vì nó không ảnh hưởng tới hậu phẫu thuật và khiến cơ thể thiếu chất.
– Nếu không dùng sụn người mà dùng sụn nhân tạo thì có hạn sử dụng không thưa bác sĩ. Có cần phải thay sau bao nhiêu năm không? (Đặng Thanh Hoa, 35 tuổi, 122 Xo viết nghệ tĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh)
– Bác sĩ Lê Hành:
Chào Hoa,
Không có sụn nhân tạo mà chỉ có sụn khác loài (heo, bò) hay sụn đồng loại (của người khác) mà thôi.
Về nguyên tắc, những sụn này cũng được sử dụng trong tạo hình mũi, tuy nhiên không tốt bằng sụn tự thân (của chính người đó) vì độ hấp thu cao.
Trên thị trường Việt Nam, có nhiều bác sĩ quảng cáo Tutoplast chính là những sụn này. Không có thời hạn rõ rệt để thay thế những sụn này. Người ta chỉ làm những phẫu thuật chỉnh sửa khi sụn bị hấp thu làm mũi bị biến dạng theo.
– Cháu bị tai nạn sụp xương sống mũi sau phẫu thuật nâng mũi giờ mũi vừa tẹt vừa lệch, bác có thể tư vấn giúp cách giải quyết vấn đề này không ạ. (Nguyễn Ngọc Diễm My, 20 tuổi, Bùi Đình Túy, Bình Thạnh, HCM)
– Bác sĩ Lê Hành:
Chào cháu, những di chứng sau phẫu thuật đều có thể sữa chữa được bằng cách áp dụng kỹ thuật chỉnh hình mũi tái cấu trúc. Xương mũi bị lệch có thể chỉnh lại bằng kỹ thuật chẻ xương. Có thể làm đẹp sống mũi bị sụp bằng những thanh độn thích hợp, có thể dùng sụn tự thân hoặc vật liệu tương hợp sinh học.
Thường những biến dạng bên ngoài có kèm theo những rối loạn chức năng của mũi như nghẹt thở, mất ngửi (không ngửi được mùi). Những rối loạn này, có thể sửa chữa đồng thời với phẫu thuật chỉnh hình tháp mũi.
– Mũi của em bị thấp và ngắn nên rất mất tự tin khi giao tiếp. Vậy xin bác sĩ tư vấn làm thế nào để có thể sở hữu được một chiếc mũi đẹp, an toàn và hiện đại để thêm tự tin hơn trong cuộc sống và công việc không ạ?
(Trần Ngọc Trâm, 25 tuổi, Hà Nội)
– Bác sĩ Lê Hành:
Trâm thân mến!
Câu hỏi của Trâm cũng là điều quan tâm của rất nhiều bạn. Đúng là nếu sở hữu một chiếc mũi đẹp, thanh tú sẽ giúp chúng ta tự tin rất nhiều trong giao tiếp. Chiếc mũi quyết định 60-70% cái đẹp của khuôn mặt. Như tôi đã tư vấn trong nhiều câu hỏi trên, một chiếc mũi thấp và ngắn đòi hỏi phải được nâng cao lên và làm dài ra một cách an toàn. Đây là chỉ định của phương pháp chỉnh hình mũi tái cấu trúc. Cụ thể thực hiện như thế nào thì bạn phải được thăm khám một cách nghiêm túc bởi một chuyên gia về mũi.
Tư vấn chuẩn và trung thực là một trong những điều kiện để có chiếc mũi đẹp. Người tư vấn phải có kinh nghiệm về phẫu thuật và được trang bị kiến thức đầy đủ, bác sĩ phẫu thuật chính là người có quyết định cuối cùng. Nên có một sự đồng thuận rõ ràng về chiếc mũi tương lai giữa bác sĩ và bạn.
Trong khi tư vấn, bác sĩ sẽ nhìn xem chiếc mũi của bạn có lệch hay không, tương quan giữa góc mũi và cùng gian mày, mũi có gồ hay không, xương mũi và cánh mũi có rộng quá hay không, có cần thu gọn không. Ngoài ra, bác sĩ còn xem nhân trung của bạn có tụt vào không, răng hàm trên có bị hô hay không, tình trạng cằm như thế nào… Bác sĩ cũng phải dùng nôi soi mũi để biết được những bệnh lý tiềm ẩn bên trong mũi như: vẹo vách ngăn, viêm mũi xoang mạn, mủ để có hướng xử trí thích hợp nhất.
Chúc bạn có một chiếc mũi thật đẹp, an toàn và hiện đại nhé.